Thống kê truy cập

Hôm qua : 25
Hôm nay : 94
Đang online : 16
Lượt truy cập : 321.587

Liên kết

20/08/2019 | 8:18, Lượt xem: 23,363

Những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế trong thực hiện Luật phòng, chống ma túy và trong công tác THQCT – KSĐT - truy tố - xét xử án ma túy của Viện KSND tỉnh Bình Dương

 

I. Thực trạng việc thi hành các quy định của Luật phòng, chống ma túy.

1. Những kết quả đạt được, những bất cập hạn chế trong các quy định của Luật phòng, chống ma túy và trong thực tiễn tổ chức thực hiện các quy định của Luật phòng, chống ma túy

1.1. Những kết quả đạt được:

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, Ban cán sự Đảng phối hợp Đảng ủy, Ban lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; các văn bản của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh uỷ liên quan đến phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như: Chỉ thị 09-CT/TW ngày 01/12/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 48/CT-TW ngày 22/10/2010 của Ban Chấp hành trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới; Chương trình hành động số 50-CTr/TU ngày 21/9/2012 của Tỉnh uỷ thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW ngày 01/12/2012 của Ban Bí thư; đã đưa ra các nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy như: Tổ chức quán triệt đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức trong toàn ngành nội dung của Chỉ thị và các văn bản có liên quan đến việc xử lý vi phạm, tội phạm về ma túy, thống kê số liệu về phòng, chống ma túy để thống nhất nhận thức và hành động.

Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với Phòng nghiệp vụ và Viện kiểm sát cấp huyện trong việc giải quyết án hình sự nói chung và giải quyết án ma túy nói riêng. Chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra trong việc điều tra, xử lý nhanh được nhiều vụ án về ma túy, quản lý chặt chẽ tin báo, tố giác về tội phạm ma tuý. Phối hợp với Toà án hai cấp tăng cường tổ chức các phiên toà xét xử lưu động (trước năm 2018) để răn đe, đồng thời tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống ma tuý cũng như sự nguy hiểm của đại dịch thế kỷ HIV/AIDS trong các tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, họp liên ngành nhằm trang bị cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán 02 cấp của tỉnh về các quy định pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn trong điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về ma túy, qua đó nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, có sự thống nhất về nhận thức, để tổ chức thực hiện thuận lợi và có hiệu quả cao phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và, tội phạm về ma túy nói riêng trong tình hình hiện nay.

 Thời gian qua; vai trò, trách nhiệm của Cán bộ, đảng viên và các cấp ủy Đảng trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương ngày càng được tăng cường, sự lãnh đạo ở các cấp ủy Đảng được duy trì thường xuyên nên không xảy ra tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật phòng, chống ma túy, không có cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật do liên đới vì để người thân trong gia đình nghiện ma túy hoặc vi phạm, phạm tội về ma túy.

Qua đó, khẳng định trách nhiệm của mỗi tập thể, mỗi cá nhân trong thực hiện chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của ngành. Kết quả cho thấy có sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự nói chung và tội phạm ma túy nói riêng; đã nắm bắt và quản lý được tình hình tội phạm về ma túy, đảm bảo được việc khởi tố, điều tra, việc áp dụng các biện pháp tố tụng có căn cứ, đúng pháp luật. Viện kiểm sát hai cấp đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, cơ quan xét xử trong điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh đối với tội phạm về ma túy, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý. Từ ngày 01/12/2008 đến ngày 31/5/2019, Viện kiểm sát hai cấp của tỉnh Bình Dương đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra gần 4000 vụ - 4.841 bị can; kiểm sát xét xử sơ thẩm hơn 3000 vụ – 4034 bị cáo.

1.2. Những bất cập, hạn chế:

a. Về thực tiễn cuộc sống: Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là địa bàn giáp ranh với tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh nên việc quản lý tạm trú, tạm vắng gặp nhiều khó khăn, bất cập và hạn chế; các đối tượng nghiện ma tuý lợi dụng tình hình trên đã mua ma tuý về lôi kéo thêm những đối tượng không có việc làm ổn định, lười lao động nghiện theo. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Bình Dương có 2.394 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, trung tâm chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng quản lý hơn 1000 người; trại tạm giam, nhà tạm giữ quản lý hơn 300 người; ngoài xã hội gần 1.500 người. Điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho các cơ quan chức năng của tỉnh trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Phần lớn các vụ án mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý là do các đối tượng nghiện mua về vừa sử dụng vừa bán kiếm lời để có tiền tiếp tục sử dụng ma tuý. Do đã nghiện ma túy thì việc cai nghiện là rất khó khăn, các đối tượng đã bị truy tố, xét xử về các tội phạm về ma tuý cũng như các đối tượng được chính quyền, gia đình, tổ chức xã hội đưa đi cai nghiện, sau khi trở về địa phương họ thường mang tư tưởng mặc cảm, tự ti, một số người xung quanh không muốn những người từng nghiện hút là hàng xóm, bạn bè cùng làm việc, sinh hoạt với họ nên những đối tượng này dễ rơi vào hụt hững tình cảm, luẩn quẩn về tư tưởng, lẻ loi, thiếu tự tin để làm lại cuộc đời. Nhiều cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp e ngại không muốn tuyển dụng những người có tiền án, tiền sự nhất là những người từng nghiện ma túy; do vậy, họ thường không có nghề nghiệp ổn định nên số người tái nghiện trở lại với tỷ lệ rất cao. 

b. Về thực tiễn triển khai các quy định của pháp luật:

- Khó khăn, vướng mắc trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân theo Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 13.

 Công tác cai nghiện và quản lý người nghiện theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật phòng, chống ma túy còn có nhiều vướng mắc, gây khó khăn khi thực hiện. Vướng mắc, khó khăn nhất là việc xác minh, xác định tình trạng nghiện theo quy định tại Quyết định số 5075/QĐ-BYT và Quyết định 3556/QĐ-BYT của Bộ y tế đều đưa ra tiêu chuẩn để xác định tình trạng nghiện của một người phải đủ cả hai điều kiện về lâm sàng và xét nghiệm. Về lâm sàng phải có ít nhất 3/6 triệu chứng trong 12 tháng và xét nghiệm phải dương tính với chất ma túy. Tuy nhiên, 06 triệu chứng theo hướng dẫn thì có 05 triệu chứng phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người cần xác định nghiện, họ phải hợp tác, trả lời đúng, khách quan vấn đề của mình. Song hầu hết các đối tượng này không hợp tác, không trả lời đúng tình trạng nghiện của mình; hơn nữa để xác định hội chứng cai đòi hỏi phải giữ người cần xác định nghiện không cho họ sử dụng ma túy trong thời gian 48 giờ đối với người nghiện OPIAT và 72 giờ đối với người xác định nghiện Amphetamine. Tuy nhiên, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định chỉ có thể tạm giữ tối đa 24 giờ.

Về xác định người không có nơi cư trú ổn định, hiện không có tiêu chí xác định “nơi ở ổn định, thường xuyên đi lang thang”; không có chế tài quản lý người vi phạm trong thời gian xác định nơi cư trú.

          Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP, trường hợp người vi phạm có nơi cư trú không thuộc xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm thì bàn giao người và biên bản vi phạm cho cơ quan Công an cấp xã nơi người vi phạm cư trú để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng Nghị định chưa quy định về hình thức chuyển, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chuyển nên gây khó khăn cho công tác này, đặc biệt nơi cư trú ở khác tỉnh, thành phố với nơi người đó vi phạm.

          Điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định trường hợp chưa xác định được nơi cư trú ổn định của người vi phạm thì tiến hành xác định rõ. Thời gian xác định là 15 ngày làm việc nếu xác định được nơi cư trú ổn định thì chuyển người đó về nơi cư trú để lập hồ sơ; nếu không xác định được nơi cư trú ổn định thì lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng Nghị định không quy định trong thời gian 15 ngày xác định nơi cư trú ổn định thì quản lý người vi phạm như thế nào.  

Ngoài những bất cập trên, giữa Luật phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính hiện còn nhiều điều khoản còn chênh nhau về vấn đề quản lý sau cai nghiện và việc cai nghiện cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi…

- Khó khăn trong công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân theo Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014.

Theo quy định của Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định mở phiên họp thì Kiểm sát viên được phân công phải tự nghiên cứu, lập hồ sơ kiểm sát tại Tòa án nhân dân cùng cấp và đề xuất quan điểm giải quyết vụ việc để lãnh đạo duyệt và tham gia phiên họp. Do vậy, Kiểm sát viên rất khó khăn về thời gian nghiên cứu, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, đầy đủ và chính xác nhất.
Về thẩm quyền của Viện kiểm sát: Tại khoản 2, Điều 4 của Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 quy định: “Viện kiểm sát tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này”, tuy nhiên tại chương III của Pháp lệnh lại không có điều luật quy định thành phần tham gia việc xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Do đó trong quá trình Tòa án xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thể mời hoặc không mời Viện kiểm sát tham gia, dẫn đến việc áp dụng khoản 2, Điều 4 của Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 chưa được thống nhất.
- Khó khăn trong công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về ma túy.

+ Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có hiệu lực thi hành đến nay đã được hơn một năm; một số nội dung hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007 không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, hướng dẫn kịp thời để áp dụng đúng các quy định của Bộ luật Hình sự, đã dẫn đến phát sinh nhiều quan điểm khác biệt giữa các Cơ quan tiến hành và người tiến hành Tố tụng trong việc định tội danh (phân biệt được rạch ròi, cụ thể những tình tiết cấu thành cơ bản giữa tội Vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy; hoặc giải thích từ ngữ: Tàng trữ không nhằm mục đích..., vận chuyển không nhằm mục đích....).

+ Hiện nay, một số chất ma túy mới đã du nhập vào nước ta và đã xâm nhập vào học đường, các chất này có tác hại rất lớn đối với sức khỏe, tâm thần kinh của con người nhưng các cơ quan có thẩm quyền cấp Trung ương chưa kịp thời đề nghị Chính phủ cập nhật, quy định bổ sung vào danh mục các chất gây nghiện cấm lưu hành, sử dụng, cũng như hướng dẫn, quy định về trọng lượng, quy trình cấp phát đầy đủ các chất mẫu cho cơ quan giám định phục vụ công tác giám định xác định các loại chất ma túy để có căn cứ xử lý hình sự đối với các hành vi phạm tội về ma túy theo quy định của Bộ luật Hình sự (hiện nay các chất ma túy Ketamine, cỏ Mỹ... các Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh chưa được cấp chất mẫu để so sánh mà chỉ cơ quan giám định cấp Trung ương mới có).

2. Những vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác phòng, chống ma túy chưa được Luật phòng, chống ma túy quy định và cần được pháp luật điều chỉnh.

Để xác định hội chứng cai đòi hỏi phải giữ người cần xác định nghiện không cho họ sử dụng ma túy trong thời gian 48 giờ đối với người nghiện OPIAT và 72 giờ đối với người xác định nghiện Amphetamine. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chỉ có thể tạm giữ tối đa 24 giờ nên Luật phòng, chống ma túy cần quy định riêng thời gian tạm giữ tương ứng với thời gian cần thiết để xác định “người nghiện”.

Trường hợp chưa xác định được nơi cư trú ổn định của người vi phạm thì tiến hành xác định rõ. Thời gian xác định là 15 ngày làm việc nếu xác định được nơi cư trú ổn định thì chuyển người đó về nơi cư trú để lập hồ sơ; nếu không xác định được nơi cư trú ổn định thì lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng hiện nay chưa có quy định trong thời gian 15 ngày xác định nơi cư trú ổn định thì quản lý người vi phạm như thế nào. Do vậy cần phải xem xét quy định vào Luật phòng, chống ma túy biện pháp chế tài tạm giữ.

Theo quy định của Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định mở phiên họp thì Kiểm sát viên được phân công phải tự nghiên cứu, lập hồ sơ kiểm sát tại Tòa án nhân dân cùng cấp và đề xuất quan điểm giải quyết vụ việc để lãnh đạo duyệt và tham gia phiên họp. Thời gian quy định như vậy là quá ngắn cần có sự nghiên cứu xem xét sửa đổi cho phù hợp để đảm bảo cho Kiểm sát viên có đủ thời gian nghiên cứu, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, đầy đủ và chính xác nhất.

II. Những định hướng nhằm sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy và đề xuất, kiến nghị.

- Cần sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống ma túy theo định hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong giáo dục, quản lý con em, người thân nhận thức, hiểu rõ tác hại của ma túy, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Các quy định của Luật cần rõ ràng, cụ thể và tập trung nhiều vấn đề vào một văn bản hướng dẫn; thực tiễn cho thấy càng nhiều văn bản hướng dẫn giải thích thì gây ra tình trạng chồng chéo, đối tượng tiếp cận khó khăn, khó hiểu, thiếu hiệu quả. Việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy cần có sự so sánh, tính đồng bộ với các Bộ luật khác như Bộ Luật Hình sự (Chương XX Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), Luật xử lý vi phạm hành chính...

- Đề xuất, kiến nghị:

Cần thiết phải sửa đổi bổ sung Luật phòng chống ma túy năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) một cách toàn diện, khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh, phòng chống tệ nạn, vi phạm, tội phạm về ma túy, nhằm đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, vì sự phát triển lành mạnh của con người, vì sự phát triển của Đất nước.

                                                                                                                  Nguồn tin:  Đ/c Trịnh Thế Minh

                                                                                                            (Phòng 2-Viện KSND tỉnh Bình Dương)

Viết bình luận

* Đề nghị bạn đọc sử dụng tiếng Việt có dấu và ghi rõ địa chỉ email.
{{fullname}}
Cập nhật: {{created}}
{{message}}