Thống kê truy cập

Hôm qua : 49
Hôm nay : 52
Đang online : 16
Lượt truy cập : 321.587

Liên kết

16/10/2022 | 15:19, Lượt xem: 25,211

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHÚ Ý TRONG VIỆC XÂY DỰNG CÁO TRẠNG

(Phần dành cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương) 

                          

      I. KHÁI NIỆM, ĐẶC TRƯNG BẢN CÁO TRẠNG

      1.1. Khái niệm bản cáo trạng

      Cáo trạng là văn bản pháp lý, do Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất được giao chức năng thực hành quyền công tố ban hành, thực hiện quyền buộc tội và truy tố bị can ra trước Toà án để xét xử về tội danh và điều luật quy định trong Bộ luật hình sự.

      1.2. Đặc trưng của bản cáo trạng

      Đặc trưng thứ nhất: Bản cáo trạng mang tính quyền lực Nhà nước.

      Đặc trưng thứ hai: Tính có căn cứ và đúng pháp luật.

      Đặc trưng thứ ba: Việc truy tố phải đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng đòi hỏi của Nhân dân.

      II. KỸ NĂNG VIẾT CÁO TRẠNG

      2.1. Các bước soạn thảo và ban hành bản cáo trạng

      Bước thứ nhất: Nghiên cứu hồ sơ, tổng hợp, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật

      Kiểm sát viên nghiên cứu, sử dụng chứng cứ được thu thập từ giai đoạn điều tra, đến khi nhận được hồ sơ phải có quan điểm nhận định, đánh giá để xác định đã đủ căn cứ để truy tố các bị can. Nếu đủ căn cứ để truy tố, Kiểm sát viên thụ lý chính làm báo cáo đề nghị truy tố phải trung thực, chính xác, đầy đủ nội dung vụ án; hệ thống các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và các tình tiết khác có liên quan được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố; áp dụng pháp luật đối bị can và biện pháp xử lý khác.

      Bước thứ hai: Viết dự thảo cáo trạng và chỉnh sửa dự thảo cáo trạng

      Kiểm sát viên thụ lý chính vụ án viết dự thảo cáo trạng theo đúng nội dung, hình thức, yêu cầu của bản cáo trạng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự và mẫu cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành (không photocoppy nội dung bản kết luận điều tra).

      Kiểm sát viên thụ lý chính chịu trách nhiệm trước Phó Viện trưởng phụ trách về nội dung, hình thức, đề nghị áp dụng pháp luật của dự thảo bản cáo trạng.

      Thời gian hoàn thành của bước 1 và bước 2: Không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ khi nhận được hồ sơ vụ án. Trong trường hợp vụ án phải gia hạn truy tố, không quá 30 (ba mươi) ngày.

      Bước thứ ba: Lãnh đạo Viện duyệt dự thảo cáo trạng

      Lãnh đạo Viện duyệt dự thảo cáo trạng, chịu trách nhiệm chỉnh sửa, bổ sung hình thức, nội dung, căn cứ áp dụng pháp luật, điều luật, khoản truy tố, đường lối xử lý; lưu ý cả chính tả, hành văn.

      Trong trường hợp Kiểm sát viên chính không thống nhất với các ý kiến chỉnh sửa về việc áp dụng pháp luật của lãnh đạo Viện thì vẫn phải chấp hành nhưng có quyền bảo lưu ý kiến và gửi Viện trưởng. Sau khi Lãnh đạo Viện duyệt, Kiểm sát viên thụ lý chính phải chỉnh sửa, bổ sung những ý kiến. Thời gian hoàn thành không quá 10 (mười) ngày.

      Bước thứ tư: Chỉnh sửa lần cuối và Lãnh đạo Viện ký cáo trạng

     Kiểm sát viên thụ lý chỉnh sửa, bổ sung những ý kiến của Lãnh đạo Viện (nếu nội dung Lãnh đạo Viện duyệt không đúng hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải báo cáo lại) để hoàn chỉnh bản cáo trạng và ký nháy phần cuối nội dung cáo trạng, trình ký.

      Lưu ý: không rõ phải hỏi lãnh đạo Viện, tránh trường hợp đưa nguyên văn.

      2.2. Về hình thức của Bản cáo trạng

      - Tên gọi thống nhất trong toàn ngành Kiểm sát về văn bản truy tố bị can trước tòa là “Cáo trạng”.

    - Bản cáo trạng phải được lập theo mẫu số 144/ (Danh mục mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

      - Phần trên của tên cơ quan ban hành văn bản phải có tên cơ quan chủ quản là “Viện kiểm sát nhân dân tối cao” đối Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

      - Thống nhất viết số, ký hiệu cáo trạng ở đơn vị cấp tỉnh như sau: “Số:.../CT-VKSBD-P1”, “Số:…/CT-VKSBD-P2”; đơn vị cấp huyện có 09 (chín) đơn vị thì: “Số:…/CT-VKS-TDM”, “Số:.../CT-VKS-TA”, “Số:…/CT-VKS-DA”,… (do cấp tỉnh có các phòng nghiệp vụ khác nhau nên viết tên đơn vị ban hành, còn mô hình cấp huyện có bộ phận hình sự, dân sự, khiếu nại tố cáo nên không cần viết cụ thể bộ phận), ví dụ:

      - Ngôn ngữ, văn phạm trong bản cáo trạng là ngôn từ pháp lý, phổ thông nhưng phải được chọn lọc. Lập luận phải sắc bén, chặt chẽ và có tính thuyết phục cao, không tẩy xoá, viết thêm tuỳ tiện.

      2.3. Về nội dung bản cáo trạng

     Theo mẫu cáo trạng số 144/HS của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bố cục bản cáo trạng gồm 04 (bốn) phần: phần nêu căn cứ pháp lý xác định việc truy tố của Viện kiểm sát; phần mô tả hành vi của bị can; phần kết luận và phần quyết định.

      2.3.1. Phần nêu căn cứ pháp lý

      Viện dẫn căn cứ khởi tố vụ án, các vụ án: nếu là vụ án hoặc các vụ án đã  khởi tố có nhiều tội danh khác nhau thì viện dẫn căn cứ vụ án có tội danh đặc biệt nghiêm trọng trước, đến rất nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và cuối cùng là tội ít nghiêm trọng. Viện dẫn đủ số, ngày, tháng, năm cơ quan ra quyết định khởi tố vụ án, tội danh, điều luật.

      Viện dẫn căn cứ khởi tố bị can, các bị can, số, ngày, tháng, năm của cơ quan ra quyết định khởi tố bị can đối với “…” (họ, tên bị can) về tội “…” (ghi đầy đủ tội danh theo Bộ luật hình sự) quy định tại điều “…” khoản “…” Bộ luật hình sự.

      - Đối với vụ án có nhiều bị can cùng phạm một tội thì chỉ ghi số, ngày, tháng, năm Cơ quan Cảnh sát Điều tra ra quyết định khởi tố đối với “…” (ghi đủ họ, tên tất cả các bị can đã được khởi tố) về tội “…” quy định tại điều  khoản Bộ luật hình sự.

      - Đối với vụ án có nhiều bị can phạm tội bị khởi tố theo các tội danh và điều khoản khác nhau, thời gian khởi tố khác nhau thì phải viện dẫn từng quyết định khởi tố bị can theo nguyên tắc bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, nghiêm trọng và ít nghiêm trọng. Nếu có bị can bị khởi tố nhiều loại tội theo nhiều quyết định khởi tố thì viện dẫn hết một lần, đảm bảo ngắn gọn dể hiểu, dễ nhớ.

      Ví dụ:

      “Căn cứ các quyết định khởi tố bị can số 15 ngày 06/6/2022, số 04 ngày 12/7/2022 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố “…” đối với Nguyễn Văn A về các tội: Cướp tài sản theo khoản 4 Điểu 168, tội vi phạm các quy định về tham gia đường bộ theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự...

      Căn  cứ quyết định khởi tố bị can số 16 ngày 06/6/2022 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố đối với Nguyễn Văn B về tội cướp tài sản theo khoản 4 Điều 168 Bộ luật hình sự.

      Căn cứ quyết định khởi tố bị can số 17 ngày 06/6/2022 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố đối với Nguyễn Văn C về tội cướp tài sản theo khoản 4 Điều 168 Bộ luật hình sự.

      Căn cứ Bản kết luận điều tra…”

      2.3.2. Phần mô tả hành vi phạm tội của bị can

       2.3.2.1. Nội dung hành vi phạm tội

      Đây là phần trọng tâm nhất của bản cáo trạng có nhiều cách trình bày, nhưng phổ biến là theo cách quy nạp, diễn dịch, móc xích và tổng hợp.

      - Diễn biến hành vi phạm tội của bị can: Khi viết diễn biến hành vi phạm tội phải trên cơ sở tổng hợp đánh giá tài liệu, chứng cứ của vụ án, nêu rõ diễn biến hành vi phạm tội từ khi bị can chuẩn bị công cụ phương tiện phạm tội, rủ đồng phạm, tiếp cận địa điểm phạm tội, phương pháp cách thức tiến hành …; phải cụ thể tỉ mĩ toát lên được thủ đoạn phạm tội của bị can; những tình tiết đó phải được xác định bằng chứng cứ, không chỉ dựa lời khai của bị can. Diễn biến hành vi phạm tội cần đi thẳng vào trọng tâm hành vi phạm tội của bị can từ khi nảy sinh ý định phạm tội, chuẩn bị phạm tội và thực hiện hành vi xâm hại…

      - Về động cơ, mục đích phạm tội: đây là vấn đề thuộc mặt chủ quan trong cấu thành tội phạm.

      + Động cơ phạm tội: …

      + Mục đích: …

      Lưu ý: Tránh áp đặt chủ quan trong khi viết đối các tội phạm lỗi cố ý gián tiếp mục đích không rõ ràng. Nếu áp đạt chủ quan về mục đích không đúng sẽ định tội danh sai cơ bản; ví dụ: các vụ án ly lai giữa “giết người chưa đạt” với tội “cố ý gây thương tích”.

      - Về thủ đoạn phạm tội, hành vi phạm tội của bị can phải được mô tả chính xác, đầy đủ, xúc tích, dễ hiểu. Các sự kiện, các hành vi được mô tả theo quá trình diễn biến của tội phạm, cần nêu rõ phương thức, thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội. Nếu thủ đoạn, phương tiện phạm tội là nguy hiểm được quy định là tình tiết định khung tăng nặng thì cần phải phân tích rõ. Ví dụ: với những hung khí như dao nhọn, búa, rìu, gạch, đá, thanh gỗ dài, chắc… được coi là hung khí nguy hiểm, là tình tiết định khung tăng nặng trong một số loại tội, vì vậy cần phải mô tả rõ trong bản cáo trạng.

       - Hậu quả của hành vi phạm tội (hậu quả vật chất, thể chất, hậu quả tinh thần, các biến đổi khác).

       - Việc quản lý vật chứng, xử lý vật chứng và tài sản có liên quan.

     - Về trách nhiệm dân sự: Nêu rõ yêu cầu của người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bị can bồi thường hay không.

      - Các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Khi viết lồng ghép trong nội dung hành vi phạm tội. Ví dụ, tính chất côn đồ trong các vụ án gây thương tích viết rõ nguyên nhân, điều kiện trước khi xảy ra vụ án…

      - Việc viện dẫn bút lục phải trên cơ sở tổng hợp nguồn chứng cứ theo từng giai đoạn diễn biến tội phạm. Không nên viện dẫn bút lục theo từng chứng cứ và cũng không viện dẫn bút lục theo kiểu liệt kê sau khi trình bày toàn bộ nội dung hành vi phạm tội. Sau phần mô tả hành vi của bị can, Kiểm sát viên phải viện dẫn các tài liệu, chứng cứ khác; những chứng cứ đưa ra phải được chọn lọc, có giá trị chứng minh như: kết luận giám định, biên bản khám nghiệm hiện trường, tử thi, tang vật, lời khai bị hại, lời khai người làm chứng… (có viện dẫn bút lục).

      2.3.2.1. Trình bày cáo trạng và một số trường hợp lưu ý khi viết cáo trạng

      Một số trường hợp cụ thể khi viết phần nội dung của bản cáo trạng:

      - Trong trường hợp bị can phạm tội bị bắt quả tang, trong quá trình điều tra lại phát hiện trước đó bị can gây ra một hoặc nhiều vụ án khác thì nêu vụ án phạm tội quả tang trước, tiếp theo là có lời dẫn. Ví dụ: “Ngoài vụ án trên, trước đó Nguyễn Văn A, Phạm Văn B còn gây ra 02 (hai) vụ án cướp tài sản có nội dung sau…”, rồi trình bày lần lượt từng vụ án đó theo trình tự thời gian thực hiện tội phạm.

       - Trong các vụ án bị can không nhận tội: trên cơ sở từ lời khai bị hại, nhân chứng, tài liệu xác minh…để chứng minh hành vi phạm tội. Sau đó nêu các tài liệu, chứng cứ và lập luận bác bỏ lời khai này (chú ý giữ lại các chứng cứ then chốt).

      - Trong các vụ án có nhiều vụ án khác nhau nhập lại, nhiều bị can thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau, các bị can phạm tội đan xen nhau trong các vụ án khác nhau: Lấy bị can cầm đầu, thực hiện nhiều vụ án khác nhau làm trung tâm để phân ra thành từng nhóm tội phạm, trong mỗi nhóm này, viết rõ từng vụ án, nêu rõ những hành vi cụ thể bằng cách diễn dịch, móc xích các hành vi phạm tội theo trình tự thời gian.

      - Đối với những vụ án có đồng phạm: phải mô tả cụ thể hành vi của mỗi bị can, vai trò từng bị can trong vụ án (hành vi vượt quá của bị can trong vụ án đồng phạm phải được đề cập chi tiết) để làm cơ sở cho việc lượng hình khi luận tội.

      - Án kinh tế, chức vụ: thường hành vi phải làm trái công vụ, không đúng quy trình thì viết khái quát cơ bản quy định của pháp luật về hoạt động đó, sau đó viết tuần tự liên quan quy trình, nhiệm vụ thẩm quyền của các cá nhân nào thì xác định rõ hành vi vi phạm của cá nhân đó.

      - Đối với những vụ án được phát hiện, khám phá do đơn thư của quần chúng nhân dân, do kết quả của công tác trinh sát (gọi là án bắt truy xét) thì không nên trình bày như những vụ án bắt quả tang (đi ngay vào nội dung của vụ án). Đối với những vụ án này, trước khi trình bày nội dung vụ án cần nêu căn cứ khởi tố, khái quát quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

      - Đối án xâm phạm hoạt động nhân thân, án an ninh quốc gia:

      + Không mô tả cụ thể, chi tiết quá hành vi;

      + Phải thể hiện giám định tỷ lệ thương tật, giám định tổn thương, AND…

      - Trong các vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc phải viết rõ cách thức đánh bạc, cách thức thắng, thua bằng tiền, hiện vật, làm rõ trường hợp đánh bạc một người với nhiều người để phân loại xử lý cho chính xác. Đối các vụ án đánh bạc với hình thức ghi số đề ngoài lần phạm tội quả tang, nếu thu giữ được các phơi đề của các ngày trước cần phải làm rõ và xử lý các lần phạm tội này và phạm tội có tính chất chuyên nghiệp không.

      2.3.3. Phần kết luận:

      2.3.3.1. Nội dung kết luận

     - Viết theo phương pháp quy nạp, tổng hợp ngắn gọn hành vi phạm tội của bị can, tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm.

      - Xác định vai trò của bị can trong vụ án: chú ý sắp xếp theo trật tự từ bị can chính, nguy hiểm nhất đến các bị can có vai trò thấp hơn. Nếu bị can phạm nhiều tội thì phải phân tích, đánh giá theo thứ tự từ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đến tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm ít nghiêm trọng).

      2.3.3.2. Nêu lý lịch của từng bị can (chú ý sắp xếp theo thứ tự từ bị can có vai trò chính đến bị can có vai trò thứ yếu)

      - Họ và tên: Cần ghi đúng theo lý lịch tư pháp, chú ý tên đệm, nếu có tên gọi khác cũng cần ghi rõ.

     - Ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi đăng ký nhân khẩu thường trú, chỗ ở, nghề nghiệp, chức vụ, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, trình độ văn hóa, họ và tên cha, mẹ (còn sống hay đã chết), anh, chị, em ruột, vợ chồng, có mấy con, con lớn nhất bao nhiêu tuổi, con nhỏ nhất bao nhiêu tuổi.

      - Tiền sự: Chỉ ghi tiền sự được phản ánh qua trích lục tại tàng thư của cơ quan Công an khi tiền sự đó chưa được xóa, trong trường hợp pháp luật chưa quy định thời hạn để được coi là chưa bị xử lý thì chỉ ghi những tiền sự trong phạm vi một năm kể từ ngày ra quyết định xử lý.

      - Tiền án: Phải ghi rõ ngày xét xử, Tòa án xét xử, tội danh, điều, khoản của BLHS và hình phạt đã áp dụng (thời gian tạm giữ, tạm giam nếu có).

      + Trong trường hợp lý lịch của bị can có tiền án, tiền sự đã được xóa, thì viết “nhân thân bị can”: ...

      - Nếu bị can bị tạm giữ, tạm giam thì phải ghi rõ bị can bị tạm giữ, tạm giam từ ngày nào đến ngày nào để đề nghị Toà án khi quyết định hình phạt trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

      2.3.2.3. Khẳng định hành vi phạm tội của bị can đã phạm tội gì, theo quy định tại điểm, khoản, điều nào của BLHS (lưu ý trích dẫn điều luật).

     - Đối với tội cố ý gây thương tích, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…: có các trường hợp quy định cấu thành cơ bản tại khoản 1, nếu có các tình tiết quy định chuyển khung hình phạt tăng nặng phải viện dẫn lý do tại sao lại có sự chuyển khoản đó. Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ thương tật là 25%, nhưng thuộc trường hợp quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự (dùng hung khí nguy hiểm và có tính chất côn đồ), nên hành vi của Nguyễn Văn A cấu thành tội cố ý gây thương tích vi phạm khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự, thì viết: Hành vi trên đây của Nguyễn Văn A đã phạm tội Cố ý gây thương tích, theo quy định tại khoản 2, với các tình tiết định khung tại điểm a, b khoản 1 Điều 104 BLHS.

      - Chỉ trích dẫn các điểm khoản mà bị can vi phạm, ngoại trừ các điều luật có tính dẫn chiếu như Điều 123 khoản 2 Bộ luật hình sự phải trích dẫn hết cấu thành cơ bản khoản 1, trong trường hợp bị can không vi phạm điểm nào của khoản 1.

      - Trường hợp bị can bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông hoặc các tội có tính dẫn chiếu từ luật khác, thì phải viện dẫn cụ thể hành vi của bị can đã phạm vào những điều, khoản nào của Luật giao thông hoặc các quy định pháp luật đó. Đối các tội phạm về kinh tế cũng tương tự, phải chỉ dẫn các vi phạm về kinh tế, dẫn hậu quả nghiêm trọng…mới phạm tội; ví dụ: vi phạm trong hoạt động cho vay…

     - Đối với trường hợp bị can phạm nhiều tội nhưng được quy định trong cùng một điều luật, thì phải kết luận cụ thể hành vi nào cấu thành tội gì? Quy định tại điều, khoản, điểm nào? Ví dụ: Nguyễn Văn A có hành vi mua bán trái phép chất ma tuý (5,23g Heroin), hành vi của A cấu thành tội mua bán trái phép chất ma tuý, quy định tại điểm i khoản 2 Điều 251 Bộ luật hình sự, Nguyễn Văn A còn có hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý (100g nhựa thuốc phiện), cấu thành tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, quy định tại khoản 1 Điều 253 Bộ luật hình sự.

      - Trường hợp nhiều bị can, phạm nhiều tội khác nhau trong đó có một số bị can phạm chung một số tội, một số bị can phạm tội khác, thì viết:

     “Hành vi phạm tội trên đây của các bị can:

     - Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn B đã phạm các tội: “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134BLHS, “Cướp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS.

      - Nguyễn Văn C, Nguyễn Văn D đã phạm các tội: tội “Cướp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS, tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS”.

      - Nêu các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật hình sự.

     Cần chú ý: Trong những trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can thì phải xem xét, làm rõ các căn cứ để cho bị can được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Ví dụ: Bị can là những người đã có quá trình cống hiến cho cách mạng, có thành tích đặc biệt trong học tập, sản xuất và chiến đấu, họ là thương binh, bệnh binh hoặc được nhà nước tặng thưởng danh hiệu, huân, huy chương cao quí hoặc các danh hiệu Nhà nước phong tặng khác cũng phải được thể hiện đầy đủ; thân nhân của họ là thương binh, liệt sĩ hoặc có các danh hiệu Nhà nước phong tặng như: Cán bộ hoạt động trước Cách mạng tháng Tám, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt nam anh hùng... cũng cần thể hiện rõ.

       - Trong vụ án nếu có bị can được đình chỉ hoặc tạm đình chỉ, tách ra để xử lý ở vụ án khác, không khởi tố để xử lý bằng hình thức khác thì ghi rõ lý do cùng các căn cứ pháp lý.

      Cần chú ý: Trường hợp trong bản kết luận điều tra của Cơ quan điều tra đề nghị truy tố, nhưng Viện kiểm sát quyết định không truy tố cũng phải lập luận tại phần này.

      - Đề nghị các biện pháp tư pháp và trách nhiệm dân sự:

      Phần này căn cứ quy định các Điều 41, 42 BLHS; Điều 76 BLTTHS; các điều luật về bồi thường thiệt hại được quy định trong Bộ luật dân sự để đề nghị Tòa án giải quyết.

      2.3.4. Phần quyết định

      Câu chuyển tiếp như sau:

      Trên cơ sở những chứng cứ nêu trên”; hoặc “Vì các lẽ trên”:

      QUYẾT ĐỊNH

      Truy tố ra trước Tòa án (nêu tên Tòa án) để xét xử bị can (hoặc các bị can - nêu họ và tên bị can) về tội hoặc các tội...

      Nếu nhiều bị can cùng bị truy tố về một tội danh và áp dụng điểm, khoản, điều luật giống nhau thì ghi tất cả họ và tên bị can đến tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự. Còn nhiều bị can, truy tố nhiều tội khác nhau cách viết như sau:

      Truy tố ra trước Tòa án ... để xét xử các bị can:

      - Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn B về các tội: “Cố ý gây thương tích”, theo quy định tại khoản 1 Điều 134BLHS; “Cướp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS.

      - Nguyễn Văn C, Nguyễn Văn D về các tội: tội “Cướp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS; tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS”.

...

      Kèm theo cáo trạng có:

      - Hồ sơ vụ án gồm có bao nhiêu tập, bao nhiêu trang, đánh số thứ tự từ 01 đến trang cuối cùng của hồ sơ vụ án.

      - Bản thống kê vật chứng (nếu có).

      - Danh sách những người cần triệu tập ra trước Tòa án.

....

      Phần cuối của bản cáo trạng phải có chữ ký, họ và tên người ký và đóng dấu của Viện kiểm sát nhân dân nơi ban hành cáo trạng.

      + Về thẩm quyền ký cáo trạng: Nếu là Viện kiểm sát cấp huyện, cấp tỉnh thì do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng ký; nếu Phó Viện trưởng ký thì phải ghi rõ ký thay (KT.) vào trước “VIỆN TRƯỞNG”, ví dụ:

      KT. VIỆN TRƯỞNG

      PHÓ VIỆN TRƯỞNG

         (Chữ ký, họ tên)

      + Cáo trạng sau khi ban hành phải được giao cho bị can; gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp, Cơ quan điều tra, lưu hồ sơ vụ án, hồ sơ kiểm sát án hình sự, lưu trữ./.

Tiến sĩ Lê Đức Xuân - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương

 

 

 

 

Từ khóa: Việt Nam

Viết bình luận

* Đề nghị bạn đọc sử dụng tiếng Việt có dấu và ghi rõ địa chỉ email.
{{fullname}}
Cập nhật: {{created}}
{{message}}